Nghe bác sĩ sản khoa giải đáp thắc mắc những vấn đề cân nặng thai nhi theo tuần

Khi mang thai các bà mẹ thương quan tâm tới sức khỏe con trong bụng, bé phát triển như thế nào là đạt chuẩn, đủ cân, đủ chất. Bà mẹ nào cũng muốn con được tăng cân, tuy nhiên theo bác sĩ Trần Vũ Quang nhiều mẹ đang mắc sai lầm khi nghĩ cứ con nặng cân là tốt. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương)

Cân nặng thai nhi là vấn đề được tất cả các mẹ bầu cực kỳ quan tâm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương), nhiều mẹ bầu còn đang hiểu lầm về vấn đề này. Thai nhi nên tăng cân đúng chuẩn chứ không phải cứ tăng nhiều là tốt.

cân nặng thai nhi thế nào là chuẩn
Theo dõi cân nặng thai nhi theo tuần giúp bác sĩ xác định tình hình phát triển của bé. (Ảnh minh họa)

Bảng cân nặng thai nhi theo tuần chuẩn xác 

Từ tuần đầu tiên đến tuần thứ 7 là thời gian hình thành phôi và bào thai nên cân nặng và chiều dài của thai được tính từ tuần thứ 8 đến khi bé chào đời.

Từ tuần 8 đến tuần 20 (chiều dài đo từ đầu đến mông)

Tuổi thai Chiều dài (cm) Cân nặng(gam)
Tuần 8 1,6 1
Tuần 9 2,3 2
Tuần 10 3,1 4
Tuần 11 4,1 7
Tuần 12 5,4 14
Tuần 13 7,4 23
Tuần 14 8,7 43
Tuần 15 10,1 70
Tuần 16 11,6 100
Tuần 17 13 140
Tuần 18 14,2 190
Tuần 19 15,3 240
Tuần 20 16,4 300

Từ tuần 21 đến tuần 42 (chiều dài đo từ đầu đến chân)

Tuổi thai Chiều dài (cm) Cân nặng (gam)
Tuần 21 26,7 360
Tuần 22 27,8 430
Tuần 23 28,9 501
Tuần 24 30 600
Tuần 25 34,6 660
Tuần 26 35,6 760
Tuần 27 36,6 875
Tuần 28 37,6 1005
Tuần 29 38,6 1153
Tuần 30 39,9 1319
Tuần 31 41,1 1502
Tuần 32 42,4 1702
Tuần 33 43,7 1918
Tuần 34 45 2146
Tuần 35 46,2 2383
Tuần 36 47,4 2622
Tuần 37 48,6 2859
Tuần 38 49,8 3083
Tuần 39 50,7 3288
Tuần 40 51,2 3462
Tuần 41 51,5 3597
Tuần 42 51,7 3685

Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi 

Bác sĩ Trần Vũ Quang cho biết: “Thai nhi tăng cân đúng theo bảng tiêu chuẩn là tốt. Tuy nhiên các mẹ cũng không cần quá lo lắng nếu bé cân nặng của bé lệch so với chuẩn một chút vì thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bé”. Các yếu tố đó bao gồm:

– Yếu tố di chuyền, chủng tộc và độ tuổi mang thai: Đây là yếu tố hàng đầu đã được quy định từ trước, quyết định đến gần 1/3 cân nặng của thai nhi. Độ tuổi sinh dưới 18 và trên 40 thì cân nặng thai nhi nhỏ hơn so lứa tuổi sinh sản.

– Lần mang thai thứ mấy và khoảng cách hai lần sinh: Con so thường bé hơn con lần sau. Liên quan việc khoảng cách con sau sinh quá sát lần trước cơ thể mẹ chưa kịp hồi phục thì thai nhi nhẹ cân hơn.

cân nặng thai nhi thế nào là chuẩn
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi theo tuần. (Ảnh minh họa)

– Sức khỏe, thể trạng của người mẹ: Với thể trạng mẹ thấp bé, sức đề kháng kém thì bé cũng khó phát triển tốt. Mẹ mắc các bệnh lý nội tiết như đái tháo đường hoặc béo phì thì cân nặng thai nhi lớn hơn bình thường. Mẹ mắc các bệnh lý như tiền sản giật, huyết áp, stress, tâm lý trầm cảm, hoặc nghiện các đồ kích thích, bé sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai rất nguy hiểm.

– Số lượng thai mỗi lần: Phụ nữ đa thai thì cân nặng em bé càng nhẹ hơn so tuổi thai vì phải chia không gian và dinh dưỡng từ một nguồn cung cấp dinh dưỡng của mẹ.

– Giới tính và bản thân thai nhi mắc bệnh lý: Thường bé trai cân sẽ nặng hơn bé gái. Trường hợp thai nhi mắc các bệnh lý dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng thì nhẹ cân hơn nhiều, đôi khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm ảnh hướng cả sự phát triển bộ phận cơ thể thai nhi.

– Chế độ dinh dưỡng của thai phụ: Nếu được đảm bảo chăm sóc chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vi lượng và đa lượng một cách hợp lý thai nhi sẽ phát triển cân nặng chuẩn hơn. Mặt khác phụ thuộc khả năng hấp thu của thai phụ qua chế độ ăn uống thì mới có dinh dưỡng tốt cho con hấp thu được.

– Liên quan chế độ sinh hoạt của thai phụ: Vận động và tập thể dục khoa học giúp thúc đẩy hệ thống máu lưu thông thì tăng trao đổi chất đồng nghĩa việc tiếp nhận dinh dưỡng thai nhi sẽ thuận lợi hơn và dễ phát triển vóc dáng.

Những nguy cơ khi thai nhi nhẹ hơn tiêu chuẩn

Bác sĩ Trần Vũ Quang cho biết nếu thai nhi nhẹ cân hơn tiêu chuẩn sẽ có những nguy cơ sau:

“Trước mắt tình trạng suy dinh dưỡng, nhẹ cân, yếu ớt thì nguy cơ sức đề kháng kém và dễ suy hô hấp khi ra đời. Các bé nhẹ cân thì tỉ lệ mắc các bệnh lý hô hấp như viêm phổi cao hơn bình thường. Các bộ phận chức năng đôi khi không phát triển đầy đủ dễ không đảm bảo chức năng bình thường. Chỉ số trí tuệ của trẻ có thể kém phát triển hơn trẻ đồng trang lứa, tiếp thu chậm và xử lý tình huống khó khăn hơn trẻ thông thường, fễ kích động và khó tập trung.

Nguy hiểm hơn, có một số trường hợp thai nhi quá bé do nguyên nhân thai bất thường có thể trở thành thai lưu trong bụng mẹ”. 

cân nặng thai nhi thế nào là chuẩn
Thai nhi quá nhẹ cân sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Những nguy cơ khi thai nhi nặng vượt quá tiêu chuẩn

Nhiều mẹ khi mang thai thường cố gắng tập trung bồi bổ dẫn đến thai nhi có cân nặng vượt quá tiêu chuẩn và đây cũng không phải dấu hiệu tốt.

“Những trẻ có cân nặng vượt quá tiêu có thể nguy hiểm chính sức khỏe bé và mẹ trong quá trình thai nghén. Bình thường quy đinh trên 4kg coi là trẻ lớn. Chính bản thân các bé có thể gặp nguy cơ hạ đường huyết do bé không đủ lượng đường trong máu mà khi đó insulin vẫn tồn tại trong cơ thể.

Loading...

Bé dễ chậm phản xạ khóc, khóc yếu, dễ ngừng thở từng cơn, không chuyển động và các cơn ngất lịm sau khi bé ra đời. Trường hợp chuyển dạ kéo dài mà nồng độ đường huyết quá thấp có thể dẫn đến những tổn thương não và để lại di chứng trí nhớ, giảm trí tuệ trẻ về sau.

cân nặng thai nhi thế nào là chuẩn
Tuy nhiên thai nhi quá lớn cũng khiến cả mẹ và bé gặp nguy cơ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, bé quá nặng cân sẽ gây nguy cơ cho mẹ khó đẻ đường dưới. Bên cạnh đó, những nguy cơ chảy máu, đờ từ cung, tổn thương tầng sinh môn cũng gia tăng nếu khung chậu của thai phụ chưa thể giãn nở đủ phù hợp kích thước thai nhi“, bác sĩ Quang chia sẻ.

Loading...